Sốt siêu vi có thể gây biến chứng, và diễn tiến nặng thành sốt xuất huyết, sốt phát ban, hay viêm đường hô hấp cấp, hoặc tay chân miệng. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, ngày 20/10 đã tiếp nhận một bệnh nhi 8 tháng tuổi bị sốt siêu vi vào ngày thứ 5, bị biến chứng co giật, vật vã, giãy giụa mạnh. 5 y bác sĩ phải cùng giữ tay chân và phải cấp cứu hồi sức để bảo vệ tính mạng trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện, ngay từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 150-200 trẻ đến khám, điều trị vì sốt siêu vi, và không tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, bác sĩ lo ngại, thời tiết mưa nắng thất thường ở miền Nam hiện đang là điều kiện thuận lợi để các siêu vi trùng (virus) phát triển, và khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus. Chính là tình trạng sốt do nhiễm phải các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Đây là một loại bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu.
Virus có cấu trúc đơn giản và kích thước nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều. Virus không thể sống được lâu ở môi trường bên ngoài. Chúng phải xâm nhập vào cơ thể của con người hay động vật. Sử dụng các nguyên liệu của ký chủ để phát triển, sinh sản và gây bệnh.
Có rất nhiều loại virus là nguyên nhân gây ra tình trạng sốt siêu vi. Trong đó điển hình nhất là virus Rhinovirus, Adenovirus; Coronavirus, Enterovirus, Virus cúm,… tùy theo loại virus bị nhiễm mà gây ra các bệnh khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều loại virus khác nhau nhưng lại có thể gây ra những triệu chứng bệnh giống nhau.
Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa. Khi thời tiết thay đổi đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày và thường tự khỏi, khi được điều trị tích cực bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
Tuy nhiên, mọi người cũng không nên chủ quan, bởi vì một số trường hợp bệnh diễn biến nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán sốt siêu vi
Sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi là chẩn đoán mà bác sĩ nhi khoa thường ghi trên toa thuốc. Khi vài ngày đầu trẻ bị sốt mà chưa chẩn đoán được trẻ mắc bệnh gì. Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết.
Cũng có thể là viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban. Thậm chí là bệnh tay chân miệng. Do đó, bác sĩ thường hẹn phụ huynh đưa bệnh nhi tới khám lại mỗi ngày. Hoặc làm một số xét nghiệm để biết chính xác trẻ bị bệnh gì.
Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, cũng như đã loại trừ các yếu tố vi khuẩn. Như viêm amiđan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu… Và các xét nghiệm không thấy gợi ý nhiễm khuẩn, bác sĩ vẫn giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi. Và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.
Mặc dù vậy, nếu trẻ hay người lớn có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt các siêu vi (virus cúm) H1N1; H5N1, H7N9 hay nCoV có thể biểu hiện viêm phổi nặng diễn tiến đến suy hô hấp nặng, tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bác sĩ Tiến cho biết.
Dấu hiệu đặc trưng ở trẻ nhiễm siêu vi
Những dấu hiệu đặc trưng ở trẻ nhiễm siêu vi là sốt (sốt vừa 38-39 độ C đến sốt cao 40-41 độ C). Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như trường hợp trên, khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời. Trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não.
Trẻ cũng thường bị đau nhức khắp cơ thể, đau đầu; ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa; viêm hạch (vùng đầu, mặc cổ sau tai, gáy), phát ban, viêm kết mạc mắt, nôn…
Nếu trẻ sốt trong khoảng 38 – 39 độ C
Hiện các bệnh do siêu vi trùng gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, trẻ mắc sốt siêu vi có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, nếu trẻ sốt trên 38 độ C cần cởi bỏ bớt quần áo, cho trẻ uống panacetamol liều 10-15 mg/kg/lần, ngày uống 4 lần nếu còn sốt.
Nếu trẻ sốt trên 39 độ C phụ huynh nên lau người trẻ bằng nước ấm, trong khi chờ thuốc hạ sốt có tác dụng hoặc trẻ đang co giật. Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt.
Nếu trẻ sốt cao
Nếu trẻ sốt cao, co giật cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đàm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít sặc đàm nhớt vào phổi. Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đến khám bệnh mỗi ngày nếu trẻ dưới hai tháng tuổi; hoặc trẻ sốt cao, khó hạ hoặc sốt trên 2 ngày.
Sốt kèm xuất hiện chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân hoặc mụn nước ngứa toàn thân hay phát ban, hoặc biểu hiện bất thường nào khác.
Khuyến cáo của bác sĩ
Trẻ cần tái khám ngay khi lơ mơ, ngủ nhiều li bì khó đánh thức; nôn ói nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ; không ăn uống được hoặc bỏ bú; co giật hay giật mình chới với, hoặc run tay chân; thở bất thường, thở mệt, tím tái; tay chân mát lạnh, da nổi bông; bứt rứt đau bụng; chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiêu phân đen…
Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc oresol, vệ sinh sạch sẽ và giữ ấm cho trẻ, có thể nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natrichlorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, đồng thời cách ly trẻ không cho đến trường, vì bệnh có thể gây thành dịch. Đặc biệt, phụ huynh không được chữa sốt siêu vi bằng cách cạo gió, cắt lễ, quấn kín trẻ, hay nặn chanh, đổ nước sả, thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì dễ gây sặc, tắc đường thở dẫn đến tử vong, bác sĩ Tiến lưu ý.
Để phòng ngừa nhiễm siêu vi, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh, không cho trẻ dầm mưa, tắm lâu, chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, cũng như chích ngừa đủ các mũi cúm, viêm não, thủy đậu, sởi…
Tìm đọc các bài viết mới nhất tại đây.